TTO – Chương trình trao đổi về quan điểm nuôi dạy con của các chuyên gia tâm lý, triết học, xã hội học vừa thu hút nhiều phụ huynh và các bạn trẻ tại không gian Cà phê thứ bảy sáng 8-7.
Đây cũng là dịp NXB Trẻ ra mắt hai tập sách có cùng chủ đề: Cha mẹ vừa đủ tốt (của Vũ Phi Yên và Trần Ngọc Bảo Khanh), Dạy con gọi tên cảm xúc (Lê Thanh Hải).
Thật ra việc ra mắt sách như một dịp xúc tác để các diễn giả cùng gặp nhau tại một buổi trò chuyện, bởi trong khi hai tác giả Vũ Phi Yên và Trần Ngọc Bảo Khanh đang công tác trong nước, TS Lê Thanh Hải hiện sống ở Anh quốc, nên tổ chức một chương trình như vậy cũng là dịp hiếm hoi.
Và kiến thức và những hàm lượng bổ ích từ cuộc trò chuyện mang lại là không thể đo đếm hết. Vị bác sĩ, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Phi Yên nói về khởi sự của bản thảo Cha mẹ vừa đủ tốt là khi cô cùng các đồng nghiệp nhận ra xung quanh mình dường như các phụ huynh đang bị cuốn vào một “cơn lốc căng thẳng” do nuôi dạy con cái.
Vũ Phi Yên cùng với Trần Ngọc Bảo Khanh, từ nền tảng của nhiều chuyên ngành: Y khoa chuyên ngành di truyền học, Tâm lý học phát triển, Tâm lý học lâm sàng, Huấn luyện quản trị cuộc đời… để soạn một cuốn sách nhằm cung cấp cho phụ huynh niềm tin vào chính mình (sẽ là những phụ huynh vừa đủ tốt), tin vào quá trình (với những phương pháp cụ thể), và tin ở đích đến (những nền tảng cơ bản để có thể nuôi dạy con em một cách tốt nhất).
Thật thú vị khi biết rằng, khái niệm “cha mẹ vừa-đủ-tốt” (good-enough-parents) là một khái niệm tâm lý học thực thụ, chứ không phải là cách chơi chữ trên nhan đề sách.
Trong khi đó, TS Lê Thanh Hải cho biết anh đã bằng chính vốn sống thực tế trong nuôi dạy hai con và chuyên ngành triết học, xã hội học mà anh theo đuổi, để trình bày các vấn đề trong tập sách Dạy con gọi tên cảm xúc.
“Thoạt đầu tôi dùng nhan đề sách là “Dạy con bằng cảm xúc”, nhưng biên tập viên NXB Trẻ sau khi đọc bản thảo đã đề nghị đổi lại như trên, và tôi đồng ý ngay.
“Tập sách có trọng tâm là dạy con thông qua những cảm xúc của chính đứa trẻ trước các mối quan hệ trong đời thường. Và tôi nhận thấy có nhiều người gặp khó khăn khi diễn đạt cảm xúc của mình với chính người thân trong gia đình. Điều này có nguyên nhân từ lâu xa do không được hướng dẫn cách thể hiện và diễn đạt cảm xúc – một cách gọi tên cần thiết – bắt đầu từ tuổi thơ. Nên tôi đề nghị đổi nhan đề như vậy để tạo được sự chú ý và có sức gợi hơn.”
Biên tập viên Kim Tuyến của NXB Trẻ tâm sự
Và ngay trong lời đầu sách, tác giả Lê Thanh Hải tâm sự cùng bạn đọc rằng: “Sách này dành cho quý vị độc giả nào muốn tìm hiểu cảm xúc của con trẻ, và sẵn sàng đầu tư thời gian để động viên, hướng dẫn, và giúp đỡ con thành nhân, trưởng thành theo đúng ước mơ và trí tuệ của mình trong một thế giới toàn cầu”.
Những điều ấy vốn giản dị nhưng thực hiện không giản đơn. Chính anh Hải cho biết, “khi sinh bé Kathy, tôi quyết định nghỉ phân nửa công việc, chỉ còn làm đủ sống và dành thời gian nhiều hơn cho con. Bà nội thì cho rằng bố hy sinh như vậy hơi quá đáng, còn tôi thấy mình rất vui, nghỉ bớt việc để cùng con chơi và giúp con trưởng thành là một hạnh phúc”.
Đây chính là một điển hình quan trọng, bởi hầu hết các lời khuyên dành cho bố mẹ đều có nhắc đến việc dành thời gian cho con, nhưng cuộc sống càng lúc càng dành mất thời gian của bố mẹ cho các việc khác.
Ở điểm này, Vũ Phi Yên chia sẻ một chi tiết: Tập trung vào chủ đề đang nói cũng là cách dành thời gian cho nhau. Bởi trong môi trường sống hiện nay, nhiều khi cha mẹ con cái nói chuyện với nhau nhưng lại không tập trung vào chủ đề, không giải quyết trôi chảy và hiệu quả vấn đề đang đặt ra. Điều này thường được nhận diện là làm mất thời gian của nhau, và ở một mặt khác, đó là do không dành thời gian cho nhau.
Từ phía bạn đọc, có người nêu vấn đề trở ngại là trong thực tế có lắm lúc con cái nói về những vấn đề mà bố mẹ “không biết gì cả” thì thật khó kết nối với nhau. TS Vũ Phi Yên cho rằng, con trẻ có một đặc tính là thích được tán thưởng mỗi khi làm việc gì đó đúng, và con cũng thích thú với việc hướng dẫn người khác chơi một trò gì đó mà nó đã biết y như lúc nó chơi vậy.
Dựa vào đó, có thể khuyến khích con “dạy” lại chính bố mẹ những vấn đề mà con đang quan tâm nhưng bố mẹ chưa rõ, để từ đó bố mẹ có thể cùng con đồng hành tìm hiểu và trao đổi.
Không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con trong học hỏi và trưởng thành. Nhiều người tâm niệm “hy sinh đời bố để củng cố đời con” nhưng vì con trẻ sẽ học theo rất nhiều từ bố mẹ, nếu bố mẹ không thay đổi gì cả, sau thời gian khoảng 10 năm, phụ huynh sẽ nhận ra con mình vấp phải những thứ mà chính mình đã vấp.
Bàn sâu về hướng này, Lê Thanh Hải còn cho rằng các bậc cha mẹ nên cập nhật kiến thức cần thiết, chẳng hạn như tác dụng của âm nhạc với trí não con trẻ là như thế nào.
Anh kể câu chuyện trong thực tế đã dùng âm nhạc để cải thiện khả năng học toán của một “đứa con người hàng xóm”. Mọi người cùng thích thú và ngạc nhiên khi nghe vị tiến sĩ phân tích khi chơi đàn piano, não của trẻ sẽ thực hiện một lượt 6 động tác. Nếu cứ tập dượt cho não như vậy, tất nhiên não sẽ hoạt động nhiều hơn và khả năng học toán sẽ tốt hơn.
Quan tâm đến đề tài này, có 13 phụ huynh cùng nêu một vấn đề để hỏi các diễn giả, là tình trạng con trẻ mê game, chú mục vào điện thoại và giao tiếp kém. Về vấn đề này, Vũ Phi Yên cho rằng cha mẹ cũng nên có phản ứng rõ ràng, cứng rắn trước những hành vi không đúng của con trẻ, để qua đó trẻ nhận ra những việc sai và dần cải thiện.
Trong khi đó, Lê Thanh Hải cho rằng, nếu con trẻ mê thế giới ảo, thì mình cũng nên bước vào thế giới ảo cùng với con để hiểu nó, rồi từ đó sẽ có cách uốn nắn linh hoạt.
Và xem ra, giới hạn “vừa đủ tốt” mà các bậc cha mẹ kỳ vọng như vậy còn xê dịch khác nhau trong suy nghĩ của nhiều người, và con đường bổ sung kiến thức để trở thành “vừa đủ” như vậy cũng không giống nhau. Chỉ có việc bắt đầu từ những trang sách bổ ích là chắc chắn cần thiết.
Source: https://donghanhcungcon.com.vn
Category: HỌC CÙNG CON
BÀI VIẾT MỚI
Không khí học tập nghiêm túc của Khóa bồi dưỡng Kỹ năng định hướng Nghề nghiệp hiệu quả tại Viện Phát triển Doanh nghiệp và Tài năng Việt Nam (IVN)
Contents0.1 Học viên tham gia Khóa bồi dưỡng Kỹ năng Định hướng Nghề nghiệp tại...
Kỹ năng quản lý căng thẳng
Căng thẳng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại....
Xây dựng môi trường học tập tích cực cho con
Việc xây dựng một môi trường học tập tích cực cho con đóng vai trò...
10 Bí Quyết Giúp Con Trong Học Tập Và Cuộc Sống
Contents0.1 Học tập và cuộc sống của học sinh và sinh viên không chỉ yêu...
KHÓA BỒI DƯỠNG – KỸ NĂNG ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP HIỆU QUẢ
Khóa bồi dưỡng “Kỹ năng định hướng nghề nghiệp hiệu quả” – Giải pháp cho...
Workshop Học phần khởi nghiệp kinh doanh: GenZ với Startup 4.0 – Tự lực hay đồng hành cùng Mentor?
Khởi nghiệp kinh doanh không nhiều màu hồng như chúng ta vẫn thường nghĩ. Tại...